Những kiến thức về dinh dưỡng thai kỳ rất quan trọng với bà bầu, nhưng vì thiếu hiểu biết, không ít mẹ bầu tẩm bổ sai cách.
Dinh dưỡng dành cho bà bầu dường như luôn là một đề tài khiến những người chuẩn bị lên chức bố mẹ đều quan tâm. Kiêng khem quá cũng không tốt nhưng ăn uống thả phanh cũng không phải là điều được khuyến khích trong thai kỳ. Nhiều chị em đã gặp phải tình huống dở khóc dở mếu khi tẩm bổ sai cách dẫn tới hậu quả khó lường.
Chị Linh (Long Biên, Hà Nội) là một ví dụ như thế. Từ khi mang bầu, chị Linh lúc nào cũng kè kè bên người cuốn “sổ nam tào” của mình. Trong cuốn sổ đó chị ghi mọi thứ liên quan tới bà bầu và em bé, cách chăm sóc cơ thể, tẩm bổ thế nào là hợp lý. Thế nhưng vì không biết cách chọn lọc thông tin nên chị cũng trở thành một mẹ bầu tẩm bổ sai cách cho bản thân.
Lên diễn đàn đọc nhiều tâm sự, chị ám ảnh với tâm sự của một bà mẹ sinh con xấu xí, mặc dù người mẹ đó cũng xinh đẹp lắm. Điều này khiến chị Linh chột dạ. Chị không xấu cũng chẳng đẹp thế nhưng ngồi tưởng tượng ra cảnh con sau này xấu xí khiến chị lo lắng vô cùng.
Một ngày, chị mừng húm khi nghe các mẹ ra lời "sấm truyền" rằng bà bầu mà ăn nhiều đu đủ xanh, sau con sinh ra sẽ xinh đẹp, trắng trẻo như trứng gà bóc. Ngay sau hôm đó, chị Linh hì hục ra chợ mua đu đủ xanh về ăn. Chị chế biến đủ các món, nào là hấp ăn vã, ép lấy nước đến xào nấu. Chị uống nước ép đu đủ xanh nhiều thậm chí thay luôn nước lọc. Và rồi ngày nào chị cũng ăn món đó.
Những kiến thức về dinh dưỡng thai kỳ rất quan trọng với bà bầu, nhưng vì thiếu hiểu biết, không ít mẹ bầu tẩm bổ sai cách (Ảnh minh họa)
Thế nhưng khi đi khám thai ở tuần thứ 32 tuần, chị giật mình khi nghe bác sĩ thông báo rằng có khả năng chị bị sinh non. Qua cuộc trao đổi với bác sĩ, chị được biết có rất nhiều nghiên cứu cho thấy đu đủ xanh chứa một lượng enzymes và mủ khá cao, chất này có khả năng gây nên những cơn co thắt tử cung, bên cạnh đó đu đủ xanh còn chứa một lượng prostaglandin và oxytocin là những chất mà cơ thể tiết ra để khởi động ép ra thai... Khi ăn với số lượng quá nhiều, đu đủ xanh sẽ gây hại cho bà bầu. Nhiều trường hợp mẹ bầu vì thiếu hiểu biết đã phải sinh non thậm chị gây sảy thai.
Chị Nhung (Hàng Gai, Hà Nội) cưng ba mẹ chị luôn trong tâm lý bao bọc con gái rượu. Ngày biết chị có bầu, mẹ đẻ chị đích thân sang nhà chồng xin con gái về để chăm nom.
Mẹ chị lại là người “truyền thống”, bà cứ áp dụng những bí quyết kinh nghiệm xưa của mình để con gái phải làm theo. Một trong những kinh nghiệm đó là ăn thật nhiều mật ong. Bà bảo mật ong giúp người mẹ khỏe mạnh, thơm tho, sạch sẽ, tăng cường sức miễn dịch cho mẹ bầu. Hơn hết, ăn mật ong thường xuyên sẽ giúp em bé sau này có được hệ tiêu hóa tốt, giảm táo bón, tránh tiêu chảy. Thế là lúc nào chị cũng được mẹ nhồi nhét thêm món này. Sáng thì bánh mỳ chấm mật ong, trưa thì mật ong hấp chanh, chiều thì uống một cốc nước ấm pha mật ong đặc...
Là người rất nghe lời mẹ, nên chị áp dụng theo bởi với chị dù sao mật ong cũng là thực phẩm dễ ăn, hai nữa là chị cũng muốn sau này con cái sinh ra được khỏe mạnh. Thế nhưng sau một thời gian chị thấy cơ thể mình nóng ran, dù trời không nóng bức nhưng người chị như bốc hỏa.
Đi khám Đông y, chị được biết mình đã quá lạm dụng mật ong, điều này suýt hại cả mẹ lẫn con.
Theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng – Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, ông cho biết mật ong là một thực phẩm được bào chế từ thiên nhiên rất tốt cho sức khỏe con người. Đó được coi là loại đường tự nhiên, một vị thuốc có lợi cho cơ thể. Ngoài tác dụng làm đẹp da, dưỡng ẩm, chống lão hóa, trị mụn, thực phẩm này còn khiến người sử dụng giảm khả năng nhiễm cảm cúm, đau họng, giảm mệt mỏi, thanh lọc cơ thể, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, an thần, hỗ trợ phát triển thai nhi…
Với những tác dụng như trên, chúng rất tốt cho thai phụ và thai nhi, tuy nhiên sử dụng với liều lượng như thế nào mới là quan trọng. Bà bầu có thể dùng một ít mật ong với nước ấm hàng ngày để uống, việc này giúp bà bầu được an thần, có giấc ngủ sâu hơn, giảm cảm cúm…
Hiện tại, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng việc bà bầu ăn quá nhiều mật ong sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Đối với thai phụ, việc ăn mật ong thường xuyên cũng cần phải được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán xem là thể tạng của người mẹ đó có hợp hay không hợp với loại thực phẩm này.
Mật ong tính nhiệt, trong quá trình mang thai nếu người mẹ ăn nhiều và người mẹ đó có tính nhiệt cao sẽ khiến thai bị nóng, điều này không hề tốt cho sự phát triển của cả hai mẹ con. Khi sinh ra bé có khả năng cao về táo bón, thậm chí bị lở loét, bong chóc miệng. Ngược lại, những bà bầu có cơ thể mát mẻ lại có thể ăn được và mật ong trở thành một thực phẩm rất tốt cho họ.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyên chị em không nên áp dụng những thông tin chưa được kiểm chứng, không nên tự biến mình thành “vật thí nghiệm”. Mọi thắc mắc đặc biệt về dinh dưỡng trong thai kỳ, chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.