Hiển thị các bài đăng có nhãn Sức khỏe. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sức khỏe. Hiển thị tất cả bài đăng

Thai chậm phát triển

Hội chứng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, gọi tắt là IUGR, xảy ra ở khoảng 3-5% trường hợp mang thai. Đây là tình trạng sự tăng trưởng của thai nhi bị hạn chế; do đó, em bé sẽ nhỏ hơn so với bình thường.
Phán đoán thai chậm phát triển

Thông thường kích thước vòng bụng của người mẹ sẽ phát triển tương đương; do vậy được so sánh với số tuần mang thai. Mặc dù kích thước này ở mỗi mẹ bầu là khác nhau nhưng vẫn có những dấu hiệu tiêu chuẩn cho biết em bé đang phát triển ở bên trong ra sao. Ví dụ, vào cuối giai đoạn đầu (ở tuần 12), tử cung của người mẹ thông thường sẽ phát triển đến vùng xương mu. Đến khi thai 20 tuần thì phần trên cùng của tử cung (hay còn gọi là đáy tử cung) sẽ cao ngang rốn của người mẹ.


Tuy nhiên, cách chẩn đoán chính xác nhất phải do bác sĩ:
Khi đi khám thai định kỳ, mẹ bầu sẽ được kiểm tra sự phát triển của tử cung bằng cách sờ nắn bụng. Cách này sẽ giúp bác sĩ có được những thông tin hợp lý về việc em bé có đang phát triển bình thường hay không. Chiều cao tử cung, nghĩa là đo từ phần trên cùng của tử cung cho đến khớp nối các xương mu, khi đem so sánh với số tuần thai sẽ cho biết được thai nhi có đang phát triển bình thường hay không.
Cách chính xác nhất để chẩn đoán IUGR là bằng phương pháp siêu âm. Ngay cả khi người mẹ rất chắc chắn về ngày hành kinh và ngày thụ thai của mình thì siêu âm vẫn là cách để có kết quả toàn diện và chính xác nhất về sự phát triển cũng như kích cỡ của thai nhi. Hình ảnh siêu âm của thai nhi qua từng giai đoạn mang thai của người mẹ sẽ được đem ra so sánh để thấy rõ được sự tăng trưởng về kích thước của em bé.
Các thông số tăng trưởng được kiểm tra bao gồm:
- Chu vi vòng đầu.
- Chiều dài xương đùi (từ hông đến đầu gối).
- Chu vi vòng bụng. 
- Lượng máu chảy từ nhau thai qua dây rốn.
Cách phát hiện sớm thai chậm phát triển trong tử cung:
- Trước khi chuẩn bị có thai, người mẹ nên đi thăm khám dù cơ thể đang khoẻ mạnh.

- Lưu giữ tất cả những giấy tờ ghi nhận những bệnh tật mình có.

- Đi khám thai ngay khi mới bị chậm kinh để chẩn đoán chính xác tuổi thai.

- Thăm khám thai: Lưu ý để bác sĩ đo bề cao tử cung. Bề cao tử cung tăng dần theo tuổi thai.

Vào tháng thứ tư, bề cao tử cung là 16cm. Bề cao tử cung sẽ tăng 4cm mỗi tháng cho đến tháng thứ 8. Số đo bề cao tử cung bằng số tuần tuổi thai nhi (ví dụ tuổi thai là 16 tuần thì bề cao tử cung là 16cm).
Tuy nhiên, bề cao tử cung còn phụ thuộc vào bề dày của thành bụng, lượng nước ối, tử cung đổ ra trước hay sau, một thai hay nhiều thai.

Khi bề cao tử cung không tăng hay tăng nhỏ hơn tuổi thai, có thể thai đang chậm phát triển trong tử cung. Khi bề cao tử cung nhỏ hơn tuổi thai khoảng 5cm thì mẹ cần lưu ý là thai nhi có thể bất thường.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ thai chậm phát triển
- Các mẹ không được trang bị về kiến thức tiền sản, có chế độ ăn uống không đầy đủ và thường là thuộc các nhóm có thu nhập thấp trong xã hội.
- Các mẹ đã từng có con bị mắc IUGR.
- Hút thuốc lá, sử dụng ma túy bất hợp pháp và uống rượu khi mang thai.
- Những em bé có bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng Turner hoặc sự bất thường của một trong các cơ quan chính.
- Những em bé đã bị mắc một chứng bệnh truyền nhiễm như rubella, toxoplasmosis hoặc cytomegalovirus ngay từ trong bụng mẹ.
- Các mẹ bản thân vốn không được khỏe, hoặc những người đã từng bị các biến chứng thai kỳ khác.
- Các mẹ bị huyết áp cao hoặc tiền sản giật.
- Suy nhau thai do nhau thai bất thường hoặc do nhau tiền đạo.
- IUGR thường phổ biến hơn ở những trường hợp mang song thai, đặc biệt là song thai cùng trứng.
- Các mẹ đang có bầu con so (con đầu tiên). Hoặc, mẹ đang mang thai bé thứ năm hoặc sau nữa.
- Yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò: Những mẹ bản thân nhẹ cân lúc mới sinh, kết hợp với người chồng cũng ở trường hợp tương tự, sẽ có xu hướng sinh ra những bé bị suy dinh dưỡng.
Những nguy hiểm do thai chậm phát triển
- Tỷ lệ bệnh và tử vong sau sinh ở bé gia tăng.
- Những biến chứng trong sinh và sau sinh gia tăng.
- Thiểu ối (dân gian còn gọi là khô nước ối) cũng thường xuất hiện. Nước ối ít gây nên sự chèn ép dây rốn. Đó là nguyên nhân gây tử vong cho con.
- Khi lớn lên các bé đã từng là thai chậm phát triển trong tử cung sẽ dễ bị những di chứng trầm trọng về thần kinh, kém phát triển trí tuệ; cao huyết áp lúc về già và những biến chứng về tim mạch.


Những dạng khác nhau của chậm phát triển thai
Chậm tăng trưởng đối xứng: Thường diễn ra vào đầu thai kỳ, khi cả đầu và cơ thể thai nhi đều bị nhỏ.
Chậm tăng trưởng đối xứng về cơ bản nghĩa là có sự thấp còi tổng thể trong sự tăng trưởng của thai nhi. Trường hợp này xảy ra khi bào thai bị nhiễm trùng, hoặc bị phơi nhiễm các chất độc hại như nicotine (có trong thuốc lá), ma túy hay rượu.
Chậm tăng trưởng không đối xứng: Diễn ra ở giai đoạn sau 20 tuần khi nhau thai không làm việc hiệu quả như bình thường. Nó diễn ra khi người mẹ bị tiền sản giật, mang đa thai và khi thai nhi có một sự bất thường nào đó.
Điều trị và kiểm soát chứng IUGR
Việc điều trị thường dựa trên việc giám sát chặt chẽ để đảm bảo thai nhi không bị thương tổn. Siêu âm thường xuyên, theo dõi thai nhi, khám tiền sản định kỳ cho người mẹ và thường xuyên cân đo là những cách thức tiêu chuẩn để kiếm soát tình hình.
Khi các bác sĩ và chuyên gia y tế cho rằng em bé nên được ra ngoài hơn là tiếp tục ở lại trong tử cung của mẹ thì sẽ cần phải tiến hành thúc sinh, hoặc mổ lấy thai. Khi đó, rõ ràng phải cân nhắc hết sức cẩn thận giữa những điều được và mất; vì bé sinh non thường có một số rắc rối đi kèm.
Người mẹ cần tăng cường nghỉ ngơi, xin tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, hạn chế căng thẳng và cố gắng giữ tâm trạng bình tĩnh, thoải mái.
Bé mắc chứng IUGR rất dễ bị căng thẳng và kiệt sức. Đó là lý do vì sao phương pháp sinh thường thường không được chọn.
Lưu ý sau sinh
Các em bé mắc IUGR vẫn có thể phát triển rất tốt, miễn là bé không bị bất thường gì.
Mẹ cần cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh. Sữa non là thức ăn hoàn hảo cho bé sơ sinh vì nó giàu calo, béo và kháng thể để chống nhiễm trùng.
Cho bú theo nhu cầu của bé chứ không thể theo giờ giấc định sẵn, cho đến khi em bé đuổi kịp các tiêu chuẩn về thể trạng bình thường.
Thăm khám đều đặn cho bé cũng hết sức quan trọng. Bé cần phải được thường xuyên cân đo và ghi lại trên biểu đồ tăng trưởng để theo dõi. Những bé nào có dấu hiệu đi xuống trên biểu đồ tăng trưởng của mình thì cần phải được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi và tư vấn chặt chẽ.

Thai mới và vết mổ cũ

Vết mổ cũ có thể làm tử cung bị vỡ ở lần mang thai sau, gây nguy hiểm cho mẹ và thai.
Định nghĩa vết mổ cũ
Vết mổ cũ là vết mổ nằm trên tử cung như:
- Vết mổ lấy thai cũ.
- Vết mổ bóc nhân xơ tử cung.

- Vết mổ trên thân tử cung vì những lý do khác như thủng tử cung trong khi nạo thai, phẫu thuật tạo hình tử cung…
Không gọi là vết mổ cũ khi vết mổ không nằm trên tử cung mà mổ vì những lý do như thủng ruột, viêm ruột thừa, u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung..


Điều nên làm lúc mang thai khi có vết mổ cũ
- Trước hết, người mẹ không nên có thai quá sớm khi vết mổ cũ còn mới (dưới 18 tháng) vì khi đó dễ bị nứt vết mổ gây mất máu và chết thai.
- Người mẹ cần khám thai định kỳ một cách đều đặn theo đúng hẹn.
- Người mẹ cần đưa giấy mổ lần trước cho các bác sĩ và khai rõ lý do mổ là gì, thời gian từ lúc mổ đến nay là bao lâu, nằm viện bao nhiêu ngày sau mổ, có nhiễm trùng trong thời gian hậu phẫu không…
- Ngoài ra, người mẹ nên chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này là có nguy cơ nứt vết mổ cũ cần phải đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất.
- Thường người mẹ sẽ được cho nhập viện trước ngày dự sinh 2 tuần lễ. Khi đó các bác sĩ sẽ cho mẹ làm đầy đủ các xét nghiệm tiền phẫu và đánh giá xem mẹ cần mổ lại hay có thể sinh thường.
Vấn đề kế hoạch hoá gia đình
- Để tránh vết mổ cũ mới, ngay sau lần sinh mổ đầu tiên, người mẹ nên lưu ý đến vấn đề tránh thai. Để chọn lựa phương pháp tránh thai phù hợp, mẹ nên tham vấn bác sĩ. Từ 2 năm trở lên, mẹ mới nên có thai lại.
- Khi đã mổ lấy thai 2 lần rồi và có đủ con thì không nên sinh nữa, cần thiết phải tránh thai.
- Đặc biệt, đối với những người đã mổ 2 lần rồi mà chưa đủ con thì có thể mổ lần thứ 3 nhưng nguy cơ nứt vết mổ cũ khá cao. Sau khi mổ lần thứ 3 nên tránh thai.
Không ít trường hợp vỡ tử cung vì có thai tại vết mổ đẻ cũ
Có thai tại vết mổ đẻ cũ không phải là hiếm gặp. Thống kê tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội năm 2009 có tới 24 mẹ mắc biến chứng này, việc điều trị rất khó khăn và phức tạp. 
Tiến sĩ Bùi Văn Giang (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết: “Với những trường hợp có thai tại vết mổ đẻ cũ, để tránh nguy cơ chảy máu ồ ạt khi nạo buồng tử cung, tránh cho bệnh nhân một cuộc phẫu thuật cắt bỏ tử cung, thì nút mạch là giải pháp tối ưu. Kỹ thuật còn được áp dụng cho cả các trường hợp chảy máu sau đẻ, rau cài răng lược, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung...”.
Lời khuyên dành cho các sản phụ khi có thai là hãy lựa chọn phương pháp sinh tự nhiên. Mổ đẻ chỉ là giải pháp cuối cùng và phải có chỉ định chuyên môn của bác sĩ.

Cẩn thận với chứng thiếu máu khi mang thai

Ngay cả khi bạn không bị thiếu máu ở đầu thai kỳ thì cũng không có nghĩa là suốt quá trình mang thai bạn sẽ không bị thiếu máu. Vậy làm thế nào để phòng tránh hiện tượng này?

Khi mang thai, yêu cầu về lượng sắt trong cơ thể tăng lên đáng kể. Sắt cần thiết cho việc giúp các huyết sắc tố và protein trong tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến các tế bào khác.

Trong quá trình mang thai, lượng máu trong cơ thể của bạn tăng lên khoảng 50% so với người bình thường. Và bạn cần thêm lượng sắt để tạo các huyết sắc tố nhiều hơn, đồng thời giúp nhau thai và em bé phát triển.

Thật không may là hầu hết phụ nữ khi mang thai đều không có đủ lượng sắt cần thiết, đặc biệt là từ tháng thứ 4 – tháng thứ 9. Lượng sắt bị thiếu đến một mức nhất định sẽ gây ra tình trạng thiếu máu.

Nếu bạn bị ốm nghén nghiêm trọng dẫn đến thường xuyên bị nôn hoặc hai lần mang thai của bạn quá gần nhau, hay chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tất cả sẽ gây ra tình trạng thiếu máu.

Bạn cần bổ sung thêm 18 – 27mg sắt mỗi ngày khi mang thai. Bởi vì thật khó để có đủ lượng sắt khi ăn uống nên Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo phụ nữ mang thai dùng thuốc bổ sung 30mg nguyên tố sắt một ngày để phòng ngừa thiếu máu.
Những điều đáng lo ngại về thiếu máu khi mang thai 1
Ngay cả khi bạn không bị thiếu máu ở đầu thai kỳ thì cũng không có nghĩa là suốt quá trình mang thai bạn sẽ không bị thiếu máu. (Ảnh minh họa)

Thiếu sắt đến nay là nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu trong thời kỳ mang thai, nhưng nó không phải nguyên nhân duy nhất. Bạn cũng có thể bị thiếu máu khi không nhận được đủ axit folic, vitamin B12 hay cũng có thể do bạn mắc bệnh rối loạn máu di truyền như bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm. Điều trị bệnh thiếu máu phải dựa vào nguyên nhân, không phải cứ bị thiếu máu là bổ sung sắt.

Ngay cả khi bạn không bị thiếu máu ở đầu thai kỳ thì cũng không có nghĩa là suốt quá trình mang thai bạn sẽ không bị thiếu máu. Vì vậy, bạn nên đi xét nghiệm máu vào tháng thứ 6 hoặc tháng thứ 7 của thai kỳ. Lượng huyết sắc tố và hematocrit sẽ giảm xuống một chút trong nửa cuối của thai kỳ do số lượng huyết tương tăng nhanh hơn so với số lượng và kích thước của các tế bào máu.

Khi tình trạng thiếu máu là nhẹ, bạn có thể không có bất kì triệu chứng nào. Bạn cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu, chóng mặt, tuy nhiên, đây là những triệu chứng mà hầu hết phụ nữ mang thai nào cũng trải qua dù có thiếu máu hay không. Các triệu chứng khác bao gồm nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, khó thở, khó chịu và khó tập trung.

Nếu xét nghiệm cho thấy bạn bị thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bổ sung sắt. Liều lượng phụ thuộc vào mức độ thiếu máu của bạn, khoảng từ 60 – 120mg sắt mỗi ngày.

Lưu ý để hấp thu sắt tốt nhất

Để hấp thụ sắt tốt nhất bạn nên uống sắt khi đói. Lưu ý trước và sau khi uống sắt bạn không nên uống trà, cà phê hoặc sữa bởi nó sẽ cản trở sự hấp thụ sắt, thay vào đó bạn nên uống nước cam, các vitamin C giúp hấp thụ sắt rất tốt.
Những điều đáng lo ngại về thiếu máu khi mang thai 2
Nên bổ sung sắt khi đói để được hấp thu tốt nhất. (Ảnh minh họa)

Trong vòng một tuần hoặc lâu hơn kể từ lúc bạn bắt đầu uống bổ sung sắt, rất nhiều tế bào hồng cầu và huyết sắc tố mới được sản sinh. Một vài tháng sau tình trạng thiếu máu của bạn sẽ được giải quyết. Điều quan trọng cần lưu ý là bạn phải để thuốc bổ sung sắt tránh xa trẻ em. Trên thực tế đã có rất nhiều trẻ em tử vong do uống quá liều sắt gây ngộ độc.

Sắt được bổ sung với mức độ cao có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa. Thông thường nó sẽ dẫn đến táo bón. Giải pháp tốt nhất lúc này dành cho bạn là uống nước ép mận. Nước ép mận vừa cung cấp sắt vừa giúp bạn giải quyết vấn đề táo bón.

Thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ sinh non và sinh thiếu cân, nghiêm trọng hơn thì có thể khiến thai chết lưu hoặc trẻ sơ sinh bị tử vong. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị mất nhiều máu khi sinh hoặc bị trầm cảm sau sinh.
Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các loại thực phẩm như: thịt đỏ, nho khô, chà là, quả sung, quả mơ, bông cải xanh, mật mía, bột yến mạch… sẽ giúp bạn tăng cường chất sắt. Lưu ý bạn không nên ăn gan để bổ sung sắt. Gan tốt nhất là nên tránh trong thời gian mang thai vì nó có chứa một lượng vitamin A không an toàn, có thể gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Sample Text

Copyright © Bà bầu, đồ dùng bà bầu, dinh dưỡng bà bầu | Thiết kế bởi http://babauaz.blogspot.com Nội dung, dịch vụ sản phẩm trên website được tài trợ bởi taiwiki.com