Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc Gia Đình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc Gia Đình. Hiển thị tất cả bài đăng

Mẹ bầu chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng

Đa số các bà bầu đều có xu hướng phớt lờ sức khỏe răng miệng bởi họ không nhận thức được tầm quan trọng của chúng đối với sức khỏe của thai nhi.

Có một mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng của phụ nữ mang thai và thai nhi. Sự thực, các bà bầu mắc bệnh nha chu (bệnh ở vùng bao quanh răng) có thể có nguy cơ sinh non cao gấp 7 lần.

Bệnh răng miệng có tác động tiêu cực lên răng và lợi của em bé sau này. Vì vậy để con có hàm răng chắc khỏe ngay từ khi còn trong bụng mẹ, mẹ bầu không nên chủ quan với vấn đề răng miệng và nên có kế hoạch chăm sóc răng miệng ngay từ trước khi chuẩn bị mang thai.
Điều mẹ bầu nào cũng nên biết về chăm sóc răng miệng 1

Mẹ hãy chú ý khi chuyển dạ sinh bé chào đời

Đã quá ngày dự sinh rồi mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ khiến bạn đứng ngồi không yên. Hãy tham khảo vài bí quyết sau để “gọi” bé chào đời nhé!

Khi mới có bầu, thậm chí tới gần ngày sinh rồi, nhiều bà mẹ vẫn thường có suy nghĩ: khi nào con thích ra thì ra, quan trong là đủ ngày đủ tháng. Ấy vậy mà khi ngày dự sinh tới, rồi quá ngày dự sinh 2-3 hôm mà chưa thấy có dấu hiệu chuyển dạ là các bà mẹ ấy lại đứng ngồi không yên. Liệu con mình có sao không? Liệu nước ối có bị cạn không?...

Nếu lo ngại mình và con sẽ rơi vào hoàn cảnh này, bạn hãy tham khảo vài bí quyết được bác sĩ sản khoa  Laurie Gregg (bệnh viện Memorial Sutter, California) chia sẻ trên Babycenter để “gọi” bé chào đời nhé!

1. Ăn cay

Nếu vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi mà bạn đã phải nhịn ăn cay trong suốt cả thai kì thì đây sẽ là thời điểm bạn có thể ăn cay trở lại theo sở thích được rồi. Dĩ nhiên bạn không cần ăn cay quá mà chỉ nên ăn theo “sức chịu cay” của bản thân thôi; bởi đây không phải là lúc để bạn thách đố cái dạ dày của mình đâu nhé! Còn nếu bạn không ăn được cay? Vẫn còn tới 4 cách khác để bạn lựa chọn cơ mà!
5 cách “gọi” bé chào đời tự nhiên mà hiệu quả 1

2. Làm “chuyện ấy”

Quan hệ tình dục sẽ thúc đẩy thai nhi ra đời sớm hơn – đây chính là lý do vì sao các bác sĩ khuyên bạn nên hạn chế việc này trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Trong tinh trùng có một số chất giúp làm mềm tử cung; và Oxytocin – một loại hormon được sinh ra khi bạn “lên đỉnh” – có tác dụng làm tăng các cơn co và qua đó “hối thúc” bé ra đời.

Tuy nhiên bạn cần đặc biệt lưu ý tránh quan hệ khi đã vỡ ối bởi việc này rất nguy hiểm vì nó có thể gây nhiễm trùng ối.

3. Kích thích vùng ngực

Tương tự như khi quan hệ tình dục, Oxytocin sẽ được sản sinh khi bạn dùng lòng bàn tay xoa tròn lên núm vú và cả quầng vú.

Tuy nhiên điều này đòi hỏi ở bạn sự kiên nhẫn nhất định bởi bạn sẽ phải xoa khoảng 3 lần một ngày, mỗi lần trong khoảng 1 giờ thì việc kích thích này mới có hiệu quả!
5 cách “gọi” bé chào đời tự nhiên mà hiệu quả 2

4. Ăn dứa
Loại trái cây này chứa enzyme Bromelain – giúp kích thích và làm mềm tử cung. Có điều bạn sẽ phải ăn một lượng dứa rất lớn mới đủ để nhận thấy tác dụng của nó trong việc thúc đẩy em bé chào đời. Nếu bạn thích ăn dứa và không bị rát lưỡi khi ăn? Thật tuyệt, hãy ăn thả phanh bạn nhé!

5. Đi bộ

Đơn giản là lực hấp dẫn sẽ giúp đẩy em bé xuống dưới gần tử cung của bạn hơn; chính vì lẽ đó bạn hãy chăm chỉ đi bộ hơn khi đã quá ngày dự sinh mà chưa thấy bé chào đời.

Nếu bạn mệt, đừng nên cố gắng quá mà hãy đi thong thả và chia thành nhiều quãng đường nhỏ bởi đây là thời điểm bạn cần giữ sức để chuẩn bị cho kỳ sinh nở vất vả sắp tới.
Theo Trí thức trẻ

Những trường hợp mẹ bầu cần hạn chế yêu

Mẹ bầu nên hạn chế quan hệ tình dục nếu có tiền sử sinh non, sảy thai; có bất thường về nhau bám như bám thấp, nhau tiền đạo; đang trong giai đoạn có chảy máu ở âm đạo, tử cung; một số mẹ bầu có bất thường ở cổ tử cung, có thể bị hở, tạo điều kiện cho nhiễm trùng thai nghén... 
Mẹ bầu có tiền sử sảy thai
Mẹ bầu có tiền sử sảy thai, sinh non thì nên cẩn thận trong chuyện chăn gối ở lần mang thai này. Một số trường hợp, bác sĩ khuyên mẹ bầu nên kiêng “chuyện ấy” trong quý I, thậm chí cả vài tháng trước khi có ý định mang thai.
Dọa sảy thai
Mẹ bầu xuất hiện các triệu chứng dọa sảy như ra máu âm đạo, đau bụng thì nên đi khám để tìm nguyên nhân và cách điều trị. Trong thời gian này, mẹ bầu cần tránh chuyện ấy và chỉ quan hệ lại sau khi đã được bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ càng.
Người chồng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể lây từ người chồng sang vợ, rồi lại truyền từ mẹ sang em bé trong bụng hoặc trong lúc sinh. Vì vậy, nếu người chồng mắc bệnh thì nên tránh quan hệ với vợ khi mang thai. Hoặc nếu có gẫn gũi thì phải dùng bao cao su.
Nhau thai bám thấp
Trường hợp nhau thai bám thấp, chuyện quan hệ vợ chồng có thể dẫn tới sảy thai. Lúc này, vợ chồng nên tạm “kiêng” và nhờ bác sĩ tư vấn cụ thể.
Hở cổ tử cung
Cổ tử cung bình thường trong thời kỳ mang thai hầu như là khít. Chờ cho tới khi thai nhi đủ ngày đủ tháng, cổ tử cung mới dần mở ra. Tuy nhiên cổ tử cung của số ít của thai phụ, dưới áp lực của tử cung ngày càng căng lên và thai nhi ngày một to ra, khi chưa đủ ngày đủ tháng đã mở ra, tình trạng này gọi là hở cổ tử cung.
Hở cổ tử cung tạo điều kiện cho những viêm nhiễm truyền vào bé hoặc bị sảy thai, sinh non.
Vỡ ối sớm
Nếu có dấu hiệu vỡ ối sớm, người mẹ cần tạm ngưng “chuyện đó” và đi khám bác sĩ.
Những lưu ý cần biết để yêu an toàn khi bầu bí
Để biết chính xác mình cần kiêng hay vẫn duy trì “chuyện ấy”, mẹ bầu cần đi khám bác sĩ và nhờ bác sĩ tư vấn cẩn thận.
Nếu buộc phải “ăn chay”, mẹ bầu nên tìm những cách khác để “chiều” chồng như quan hệ đường miệng, kích thích bằng tay… Lưu ý là mẹ bầu nếu quan hệ đường hậu môn cần thận trọng vì có thể tạo điều kiện để nhiễm khuẩn ngược dòng từ đường tiêu hóa ra đường sinh dục, gây nguy hiểm cho thai.
Quan hệ đường miệng thì cần lưu ý không thổi vào âm đạo vì gây tắc mạch cho mẹ, nguy hiểm cho con. Tốt nhất, mẹ bầu chiều chồng bằng cách dùng tay kích thích vào các điểm nhạy cảm của chồng. Đồng thời, hướng dẫn chồng kích thích lại. Tuy nhiên, mẹ bầu cần nhắc chồng không nên kích thích vào hai núm vú của vợ vì có thể làm tiết ra chất oxytoxin gây kích đẻ, làm tử cung co bóp nhanh hơn, mạnh hơn.
Do tinh dịch có chất prostaglanding làm tử cung co bóp mạnh; do đó, nếu “yêu” trong những tháng cuối, vợ chồng nên dùng bao cao su.
Nếu quan hệ xong thấy ra máu, mẹ bầu cần đi khám ngay.

Thay đổi ở vùng kín 3 tháng đầu

Giai đoạn đầu thai kỳ, nhiều mẹ bầu phải đối mặt với tăng tiết dịch, sưng môi âm đạo, lông mu dày hơn...
Tăng tiết dịch vùng kín

Khí hư được tiết ra nhiều hơn khi mang thai. Nó không còn là chất dịch trong, không mùi nữa mà có thể có màu vàng đục, nặng mùi hơn. Điều này là do cơ thể tăng sản xuất estrogen và tăng lưu lượng máu đến vùng âm đạo. 
Bình thường thì việc tăng tiết dịch vùng kín không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu thấy dịch tiết ra quá nhiều gây ướt át cả ngày, chất tiết có máu thì có khả năng đẻ non, hãy đến bệnh viện ngay.
Nếu chất dịch không mùi, màu trắng nhưng gây ngứa thì có thể mẹ bầu bị viêm âm hộ hoặc nhiễm nấm. Nếu chất dịch mùi hôi màu vàng, xanh lá cây hoặc màu xám, có thể mẹ bầu bị nhiễm trùng âm đạo hoặc nhiễm trùng qua đường tình dục, kể cả khi mẹ bầu không có triệu chứng kích ứng, ngứa, rát. Không nên cố gắng để chữa trị cho mình mà hãy đi khám để có chẩn đoán chính xác và cách điều trị thích hợp.
Mẹ bầu nên mặc quần lót bằng vải sợi bông, thay quần lót nhiều lần trong ngày. Khi thay rửa, luôn luôn lau từ trước ra sau.
Tránh mặc quần chật, chất liệu nylon.
Không dùng xà phòng khử mùi để vệ sinh vùng kín.
Không nên sử dụng băng vệ sinh trong khi mang thai.
Mẹ bầu cũng không được thụt rửa vì điều này gây mất cân bằng môi trường bình thường của âm đạo, tăng nguy cơ nhiễm trùng. 


Mô âm đạo sưng 
Trong thời kỳ mang thai, khối lượng máu của cơ thể tăng khoảng 50% với nhiều chất lỏng được chuyển tới tử cung, giúp nuôi thai nhi. Kết quả, các mô âm đạo trở nên căng, sưng.
Ham muốn có thể tăng theo 
Căng âm đạo trong thời kỳ mang thai có thể kích thích ham muốn. Đồng thời, người bạn đời cũng cảm nhận được nhiều kích thích hơn.
Lông mu dày hơn 
Estrogen tăng khiến tóc dày và cũng khiến lông mu phát triển dày lên. Trong thời gian mang thai, nếu muốn waxing hay sử dụng các loại kem triệt lông vùng kín, mẹ bầu nên thận trọng hỏi bác sĩ trước đã. Ngoài ra, tăng lượng máu ở vùng kín còn khiến việc waxing đau đớn hơn bình thường.
Âm hộ tối màu và có thể hơi xanh 
Do nhiều máu lưu thông quanh cổ tử cung nên âm hộ có thể sậm màu. Sự thay đổi màu ở âm hộ là một trong nhiều dấu hiệu sớm của thai kỳ (do tăng estrogen và progesterone – hai yếu tố gây vết lằn tối màu trên bụng bầu). Dấu hiệu này là vô hại và sẽ trở lại bình thường sau sinh.
Ra máu 
Hiện tượng ra máu trong thai kỳ phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Trung bình cứ 3 thai phụ thì sẽ có một người có hiện tượng ra máu trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Số lượng máu có thể chỉ là vài giọt màu nâu, đỏ tươi hay vón cục.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chảy máu trong thai kỳ như sau:
Sảy thai: Các dấu hiệu sảy thai có thể gồm:
- Chảy máu âm đạo: Thường xuất hiện những giọt máu nhỏ, sau đó lượng máu có thể tăng lên kèm theo máu cục hoặc không.
- Đau bụng nhiều giống như khi hành kinh.
- Mất đi những dấu hiệu mang thai như buồn nôn và độ mềm của ngực.
Mang thai ngoài tử cung: Xảy ra khi trứng làm tổ ở ngoài tử cung. Vị trí thường gặp là ở vòi trứng. Tuy nhiên, khi bào thai lớn lên, vòi trứng không thể giãn ra như tử cung nên có thể bị vỡ. Thai ngoài tử cung dễ gặp ở những phụ nữ đã từng mổ vòi trứng, đã bị chửa ngoài tử cung hoặc có tiền sử nhiễm trùng ở vùng chậu.
Chửa trứngMặc dù rất hiếm gặp nhưng hiện tượng chửa trứng vẫn có thể xảy ra và gây chảy máu trong thai kỳ. Thay vì phôi thai được hình thành trong tử cung, một nhóm tế bào phát triển bất thường thành nhiều túi nhỏ chứa nước và lấn át bào thai. Mẹ bầu nên nghi ngờ nếu bị chảy máu, đau và thấy thiếu những dấu hiệu của bào thai phát triển. Siêu âm có thể giúp phát hiện chửa trứng.
Nhiễm trùng âm đạoĐôi khi nhiễm trùng có thể dẫn đến chảy máu trong thai kỳ. Việc xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng là rất quan trọng để chữa trị kịp thời. Nếu có hiện tượng nhiễm khuẩn, mẹ bầu có thể được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Thai phụ có thể cần được nhập viện tùy vào mức độ của hiện tượng chảy máu.
Nhiễm trùng đường tiểuKhi mang thai, nhiễm trùng đường tiểu có thể dẫn đến chảy máu tử cung hay bàng quang. Thuốc kháng sinh có tác dụng chữa trị rất hiệu quả cho dạng nhiễm trùng này, nhưng có thể cần dùng đến thuốc trong thời gian dài. Nếu không được chữa trị, nhiễm trùng có thể dẫn đến hiện tượng sinh non vàgây tổn hại đến thận.
Nhau tiền đạoThay vì nhau thai bám chặt vào thành tử cung giúp máu lưu thông, nhau thai chỉ bám một phần hoặc toàn bộ vào đoạn dưới tử cung làm máu bị chảy ra ngoài. Có nhiều mức độ nhau tiền đạo tùy thuộc vào vị trí mép nhau so với cổ tử cung. Trong trường hợp nhau tiền đạo hoàn toàn, thai phụ bắt buộc phải sinh mổ.
Phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ đã từng sinh đa thai hoặc từng bị nhau tiền đạo đều có nguy cơ mắc nhau tiền đạo cao. Khoảng 70% phụ nữ mắc bị nhau tiền đạo có hiện tượng chảy máu không gây đau; 20% cảm thấy hơi đau khi chảy máu và 10% không có bất kỳ triệu chứng nào.
Bong nhau thaiBong nhau thai là một cấp cứu sản khoa có thể đe dọa đến tính mạng của mẹ và bé. Hiện tượng này là do nhau bong ra khỏi thành tử cung làm chảy máu và đau bụng. Trong đa số các trường hợp, cần phải mổ can thiệp.
Phụ nữ đã sinh 4 con trở lên, hút thuốc lá, nghiện ngập, 35 tuổi trở lên, có tiền sử bong nhau thai hoặc mổ tử cung có nguy cơ bị bong nhau thai cao hơn. Khoảng 80% phụ nữ bị bong nhau thai có hiện tượng chảy máu dữ dội và huyết tụ trong âm đạo. 20% còn lại không hề có dấu hiệu mất máu.
Sinh non: Hiện tượng chảy máu trong thai kỳ cũng có thể báo hiệu thai nhi sẽ chào đời sớm hơn dự định. Thai nhi chào đời trước tuần 37 được xem như sinh non. Lượng máu ở thời điểm này thường loãng và có lẫn chất nhầy. Nguyên nhân là do màng ối có thể đã vỡ và nước ối bị lẫn với máu.

Đồ dùng cần thiết cho bé trước khi sinh

Trước khi nhập viện sinh, mẹ cần lên danh sách để sắm vật dụng cần thiết cho bé.
1. Áo sơ sinh dài tay: Khoảng 10 cái. Nhưng đừng mua loại áo cho bé sơ sinh mà nên mua cả những chiếc dành cho bé 3 tháng tuổi. Do các bé tăng cân khá nhanh trong thời gian đầu đời nên để tiết kiệm, ban đầu mẹ mua áo rộng một chút cũng không sao. Ngoài ra, mẹ cần chú ý với bé sơ sinh nặng cân (khoảng 3,5kg trở lên) thì cần mua áo cỡ rộng hơn.
2. Quần dài: Khoảng 15-20 cái. Nếu là mùa hè, mẹ nên chọn loại quần cotton mỏng; mùa đông có loại dày hơn. Lưu ý nếu mẹ sinh vào mùa mưa phùn hay khi trời nồm thì cần nhiều quần hơn.
3. Quần đóng bỉm: 6-8 cái. Nhưng không nên chỉ mua loại dành cho bé, mẹ nên mua luôn cỡ quần cho bé 3-6 tháng. Hoặc mẹ chỉ mua một số lượng vừa quần đóng bỉm, khi bé lớn hơn, mẹ có thể dùng luôn quần bỉm cho con.
4. Áo gilet mỏng hoặc áo gilet dày: Mỗi loại có thể từ 2 tới 4 chiếc. Tương tự, mẹ có thể mua áo rộng hơn chút, nhất là trong mùa đông để bé có thể mặc áo bông dày bên trong và khoác thêm áo gilet bên ngoài. Mẹ nên tránh dùng chất liệu len cho bé sơ sinh vì bé có thể hít phải bụi len, gây ho.
5. Bộ quần áo liền thân: 2-4 bộ tùy loại mỏng – dày. Mùa đông, mẹ có thể sắm cho bé 2 bộ quần áo bông hay nỉ dày liền thân ấm áp. Với bộ này, mẹ chỉ cần ủ thêm chăn bông bên ngoài là bé đã đủ ấm.
6. Mũ và yếm: Khoảng 4-5 cái mỗi thứ.
7. Bao tay, bao chân: Khoảng 4-5 bộ.
8.Tã giấy sơ sinh (loại miếng lót): 2 bịch.
9. Gối, màn chụp chống muỗi: Mỗi thứ một cái. Ngoài ra, có thể sắm thêm một bộ gối chặn cho bé.
10. Cũi, quây cũi, màn cũi, đệm: 1 bộ ( mua cái này thì không cần màn chụp nữa).

11. Sữa tắm, dầu gội: Một bộ loại dùng cho bé sơ sinh.
12. Băng rốn, giấy ướt: Mỗi thứ 2-3 hộp.
13. Khăn bông lớn (để quấn bé khi tắm): 2-3 cái.
14. Khăn sữa, khăn xô tắm bé: Mỗi thứ 2-3 bịch.
15. Bình sữa: 2 cái, cọ rửa bình một bộ.
16. Tã chéo (tã vải): Nếu không dùng tã giấy (bỉm) thì nên mua khoảng 30-40 chiếc, vì mùa đông lâu khô. Còn nếu dùng bỉm thì chỉ cần mua 10 cái, dùng để quấn quanh bụng bé cho ấm bụng, ấm chân, ngoài ra có thể dùng thay quần đóng bỉm nếu chưa kịp khô.
17. Chăn bông ủ bé: 2-3 chiếc (dùng cho bé khi đi ra ngoài, ở nhà cũng có thể quấn, hoặc dùng làm chăn cho bé).
18. Kem chống hăm: 1 hộp.
19. Làn nhựa đựng đồ: 1 cái.
20. Chậu tắm cho bé, chậu rửa mặt: Mỗi thứ một chiếc.
22. Mắc áo và kẹp quần áo cho bé sơ sinh: Mỗi thứ một bộ.
23. Ghế nhựa: 1 chiếc (để mẹ ngồi tắm cho bé).
24. Giỏ (chậu) để quần áo bẩn: 1 chiếc.
25. Khăn voan mỏng: 1-2 chiếc.
26. Tăm bông: 1 hộp (loại dành cho bé).
27. Bông gòn: Mẹ nên mua cả cuộn bông to rồi về cắt thành từng miếng nhỏ cho vào trong lọ dùng dần, rất tiện khi vệ sinh mắt, rốn cho bé.
28. Cốc có nắp đậy, thìa nhỏ bằng silicon mềm: 1 chiếc.
29. Nước muối sinh lý: 1 chai to, 3-4 lọ nhỏ.
30. Cồn 70°: 1 lọ.
31. Sữa non: 1 hộp 400g, phòng khi cần, tốt nhất nên cho bé bú mẹ hoàn toàn.
32. Bộ túi đựng đồ cho mẹ và bé: 1 bộ.
33. Giấy thấm một chiều: 1 gói. Loại này dùng lót dưới tã (bỉm) rất tiện vào ban đêm. Nếu con “xì xoẹt” nhiều chỉ cần rút giấy thấm ra vứt đi là xong.
34. Cặp nhiệt độ cho bé: 1 chiếc.
35. Máy hút sữa: Tùy kinh tế và nhu cầu, mẹ có thể chọn mua máy vắt sữa bằng tay hay chạy điện. Hoặc nếu tiết kiệm, mẹ hoàn toàn có thể vắt sữa bằng tay, không cần dùng tới máy.
36. Nếu sinh vào mùa lạnh, cần mua thêm áo ấm cho bé, máy sưởi. Tùy nhu cầu, mẹ có thể chọn máy sưởi điện hay máy sưởi dầu cho bé.
37. Ngoài ra, mẹ có thể mua thêm máy tiệt trùng bình sữa, máy hâm sữa bấm móng tay cho bé, tấm lót phân su, xe đẩy, địu cho bé... Nên mua địu có đỡ cổ cho bé mới sinh.
Lưu ý: Mẹ nên danh sách vật dụng cần mua cho bé thật rõ ràng và chỉ mua đúng theo số lượng yêu cầu. Nếu bước vào cửa hàng dành cho bé, mẹ dễ bị choáng ngợp bởi những sản phẩm cho bé với vô vàn mẫu mã, kiểu dáng. Vì vậy, mẹ chỉ nên mua sắm những đồ dùng cần thiết cho bé để tránh lãng phí.

Tốt nhất, mẹ có thể tham khảo ý kiến mẹ, chị gái hoặc những cô mẹ gái có kinh nghiệm chăm sóc bé. Ngoài ra, mẹ cũng nên tận dụng những bộ quần áo cũ còn tốt dành cho bé chứ không nhất thiết phải mua toàn đồ mới. Nếu khéo tay, mẹ có thể đan (móc) khăn, tất, áo cho bé. Công việc này có tác dụng gắn kết tình cảm giữa mẹ với bé đồng thời, mẹ cũng tiết kiệm được một khoản chi phí nhỏ.

Mẹ nên chú ý đến những sản phẩm đa chức năng để chắc chắn rằng, bé có thể sử dụng trong một khoảng thời gian dài mà vẫn phù hợp, ví dụ: Bình sữa nhiều kích cỡ, cũi đa năng, xe đẩy đa năng…

“Xóa sổ” nỗi lo cho mẹ bầu

Mẹ bầu có được uống nước ngọt, ăn cá, uống vitamin...? Hãy cùng đi tìm lời giải đáp nhé!

An toàn là mối quan tâm số một với tất cả chị em khi mang bầu nhưng không phải mẹ bầu nào cũng có hiểu biết rõ ràng về thai kỳ và có rất nhiều điều họ đang phân vân có được làm hay không? Những giải đáp dưới đây sẽ cho chị em câu trả lời thích đáng.
“Yêu” có an toàn?
Hầu hết phụ nữ mang thai đều có thể tiếp tục giao hợp trong suốt thời gian bầu bí và trên thực tế quan hệ tình dục còn giúp lưu lượng máu đến sàn chậu tăng lên, rất có lợi cho thai kỳ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, mẹ bầu cần phải tránh tuyệt đối “chuyện ấy” nếu được bác sĩ yêu cầu. Nếu mẹ bầu có tiền sử sảy thai, sinh non, có bệnh về nhau thai, tiền sản giật… sẽ có thể phải kiêng giao hợp. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có câu trả lời thích đáng nhất trong trường hợp của mình.
“Xóa sổ” nỗi lo cho mẹ bầu - 1
Hầu hết phụ nữ mang thai đều có thể tiếp tục giao hợp trong suốt thời gian bầu bí. (ảnh minh họa)

Nhuộm tóc – có được không?
Một số thử nghiệm trên động vật cho thấy với một liều lượng cao hóa chất có trong thuốc nhuộm tóc và mỹ phẩm có thể gây dị tật bẩm sinh cho bào thai.

Vì vậy để được an toàn, mẹ bầu cần chờ đến quý thứ 2,3 thai kỳ - khi mà các cơ quan quan trọng của thai nhi đã phát triển hoàn thành - mới nên nhuộm tóc.   Mẹ bầu nên chọn những sản phẩm nhuộm tóc có nguồn gốc tự nhiên, nhắc nhở nhà tạo mẫu tóc không chải thuốc sát da đầu và nên làm ở nơi thông thoáng.

Cà phê có an toàn?
Caffeine trong cà phê đi qua nhau thai có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của thai nhi và cả mẹ bầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nguy cơ này chỉ xảy ra khi mẹ bầu tiêu thụ caffeine với liều lượng lớn. Nếu bạn là người nghiện cà phê vẫn có thể tiêu thụ khoảng 150mg-300mg mỗi ngày. Tuy nhiên, hạn chế hoặc kiêng tuyệt đối vẫn có lợi hơn cả.
Mẹ bầu cũng cần nhớ rằng một số đồ uống khác như nước ngọt, trà cũng chứa caffeine.Vì vậy nếu bạn đã uống cà phê thì nên kiêng những đồ uống này. 
Tập thể thao làm đau thai nhi?
Mẹ bầu cần biết rằng tập thể dục rất có lợi cho cả mẹ bầu và thai nhi đấy. Các chuyên gia luôn khuyên chị em nên dành 30 phút mỗi ngày hoặc ít ra cũng 3 ngày/tuần để tập luyện. Khi thai nhi càng lớn, áp lực lên sàn chậu khiến mẹ bầu mệt mỏi, lúc này chị em nên tập giơ chân cao và đi bộ. Bơi lội hay yoga cũng là ý tưởng không tồi. Một điều cần nhớ là chị em phải tránh những môn vận động mạnh.
“Xóa sổ” nỗi lo cho mẹ bầu - 2
Mẹ bầu cần biết rằng tập thể dục rất có lợi cho cả mẹ bầu và thai nhi. (ảnh minh họa)

Không được ăn hải sản?
Phụ nữ mang thai chỉ nên tránh ăn cá mập, cá kiếm, cá thu hoặc cá kình vì chúng có chứa hàm lượng thủy ngân cao.
Tuy nhiên, các mẹ vẫn có thể ăn hải sản với lượng vừa phải khoảng 2-3 bữa, mỗi bữa 300gam mỗi tuần. Hãy chắc chắn rằng chúng đã được chế biến chín hoàn toàn. Những loại hải sản với hàm lượng thủy ngân tốt mẹ bầu có thể ăn là tôm, cá ngừ đóng hộp, cá hồi, các loại cá nước ngọt…
Nước ngọt có uống được không?
Aspartame là một chất làm ngọt được sử dụng để thay thế đường trong nhiều loại thực phẩm như nước ngọt, bánh kẹo và sữa chua ít béo. Nhiều mẹ bầu e ngại với chất làm ngọt này tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bà bầu sử dụng aspartame là an toàn.
Bổ sung vitamin có an toàn?
Bổ sung vitamin là việc nên làm trong thai kỳ đặc biệt là axit folic, canxi, sắt… Tuy nhiên, để biết chính xác liều lượng cần bổ sung, các mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Chị em tuyệt đối không được tùy tiện uống vitamin.

Những chuyện của mẹ bầu

Bầu bí khiến nhiều chị em “đỏ mặt”, xấu hổ vì “hôi như cú”, “xì hơi” không kiểm soát.

Trong thời gian mang thai, sự thay đổi hormone trong cơ thể khiến nhiều mẹ bầu lâm vào tình trạng “khóc dở mếu dở” vì những thay đổi “kỳ cục” của cơ thể. Hãy cùng “vén màn” những bí mật đáng sợ về bầu bímà nhiều chị em chưa từng được biết tới.

Ôi trời ơi, ốm nghén

Một trong những điều mà các chị em thường xuyên nghe người thân, bạn bè, đồng nghiệp ca thán khi mang thai là tình trạng ốm nghén nghiêm trọng của họ. Lúc đó có thể bạn nghĩ: “Ôi trời, nôn thì có là gì đâu. Mình đã nôn suốt cả tuần sau bữa tiệc điên cuồng ở nhà Hà Lan đấy chứ. Chắc các chị chỉ “than” lên cho sướng thôi. Bà bầu mà”. Nhưng trên thực tế, ốm nghén quả là cơn ác mộng với nhiều mẹ bầu khi hàng ngày họ thường xuyên phải chạy vào toilet và phun ra nào là mật xanh, mật vàng. Tồi tệ hơn, nôn ọe có thể dẫn đến tình trạng mất nước, giảm cân, ợ nóng .... và khiến thai phụ phải nhập viện.
Những chuyện "í ẹ" của mẹ bầu - 1
Ốm nghén đồng hành cùng chị em trong quá trình mang thai (Ảnh minh họa)

Để hạn chế ốm nghén, chị em nên làm bạn với tất cả các sản phẩm từ gừng: trà gừng, kẹo gừng....hay chanh tươi. Ngoài ra đừng quên vitamin B6 và các thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, trứng, rau lá xanh.... Lưu ý uống đủ nước và tránh xa các thực phẩm chiên, rán, nhiều dầu mỡ nhé.

“Ngượng chín mặt” vì són tiểu

Nhiều thai phụ chia sẻ rằng họ cảm thấy “ngượng chín mặt” vì bị són tiểu khi cười, hắt hơi hay chỉ đơn giản là cúi xuống nhấc một đồ vật nào đấy. Tuy nhiên đây là chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa” bởi áp lực của thai nhi đè lên bàng quang cùng với lượng nước tiêu thụ mỗi ngày nhiều hơn bình thường sẽ khiến chị em lâm vào tình trạng xí hổ nói trên, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ.

Do đó các bác sĩ khuyên rằng chị em nên ghé thăm nhà vệ sinh ngay khi thấy bụng tưng tức, không nên để bàng quang đầy nước và tăng cường tập các bài tập Kegel giúp xương chậu chắc khỏe. Nếu bị són tiểu thường xuyên, mẹ bầu nên chọn quần lót có độ thấm hút cao, thay quần lót thường xuyên. Tránh sử dụng băng vệ sinh hàng ngày để phòng chống nguy cơ viêm nhiễm “cô bé”.

Sao da dẻ xấu thế?

Có lẽ mơ ước cháy bỏng của nhiều chị em khi đang trong quá trình “đeo ba lô ngược” là bao giờ da đẹp lại như thời con gái, trắng mịn, hồng hào, không vết thâm, nám. Nguyên do là bởi khi mang thai, hormone trong cơ thể thay đổi khiến hầu hết mẹ bầu gặp rắc rối với vấn đề da dẻ.
Những chuyện "í ẹ" của mẹ bầu - 2
Đèn pin nổi loạn là vấn đề chung của nhiều mẹ bầu ̣(Ảnh minh họa)

Chị Hoàng Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Ôi khi mang thai bé Nhím, có lúc em phát điên với làn da của mình. Nào là mặt đỏ phừng phừng như con gà chọi, đèn pin nổi loạn khắp nơi, da xỉn hẳn lại, rạn rồi ngứa ghê gớm nữa chứ. Suốt ngày gãi như gãi ghẻ. Khổ lắm chị ạ”.

Theo các chuyên gia, để hạn chế trường hợp trên chị em nên thường xuyên sử dụng kem chống nắng mỗi khi đi ra ngoài, uống đủ 2 lít nước hàng ngày, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, rửa mặt sạch sẽ và tập thể dục đều đặn.

Vùng kín có mùi

Trong thời gian mang thai, vùng kín của thai phụ có nhiều thay đổi như “cô bé” sưng to lên, tăng dịch nhờn âm đạo. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện và phát triển của vi khuẩn và nấm, khiến chị em bị ngứa,  viêm nhiễm.... âm đạo, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng ối và các bệnh hậu sản khác.

Vì thế chị em nên vệ sinh vùng kín hàng ngày, thay quần chíp ít nhất 2 lần/ 1 ngày, giữ “cô bé” khô ráo, sạch sẽ, tránh thụt rửa quá mạnh, hạn chế sử dụng dung dịch vệ sinh .... và đi khám phụ khoa trong trường hợp cần thiết.

Ngại quá, em lại “xì hơi”

Dù rất cố gắng nhưng hầu như chị em rất ít có thể kiểm soát được chứng xì hơi vô tội vạ của mình trong thời gian mang bầu. Nguyên nhân là do hoạt động đường ruột chậm đi dưới ảnh hưởng của quá trình tuần hoàn progesterone trong cơ thể. Vì thế thức ăn sẽ lưu lại lâu hơn trong dạ dày. Trong dạ dày lại có chứa những vi khuẩn có lợi, có chức năng tiêu hóa thức ăn và tăng cường khả năng hấp thụ thức ăn. Quá trình này sẽ sản xuất ra hơi khí, khiến chị em “méo mặt” khi bất chợt “xì hơi”.
Những chuyện "í ẹ" của mẹ bầu - 3
Cười to cũng có thể khiến thai phụ bị "xì hơi" (Ảnh minh họa)

Chị Trâm Anh (Ba Đình, Hà Nội) buồn rầu chia sẻ trên một diễn đàn nổi tiếng: “Các mẹ ạ, em bị “xì hơi” suốt cả ngày. Lúc ở nhà một mình thì em "xả" thoái mái. Nhưng mà lúc ở cơ quan thì khổ quá, cứ phải nhẹ nhàng sao cho không ra tiếng chứ nếu không thì “ê” mặt lắm. Đêm về hai vợ chồng đang trùm chăn ngủ mà em lại "xì khói" chứ. Ngượng chín cả mặt”.

Bà bầu có thể giảm thiểu tối đa tình trạng này bằng cách chia nhỏ bữa ăn, cố gắng nhai thật chậm và tránh xa các thực phẩm có chứa sulfur như cải bắp, hành tây, súp lơ. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, chị em nên đến gặp bác sĩ để được trợ giúp.

Mùi cơ thể nồng nặc

Hiện tượng đổ mồ hôi đầm đìa khắp cơ thể nhất là trong những tháng cuối thai kỳ khiến nhiều chị em cảm thấy bối rối. Chị Hương Tràm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể: “Phòng làm việc của em rất đông người nên khi thấy người ra nhiều mồ hôi em đã chủ động xịt đủ các thể loại mà không ăn thua các chị ạ. Nhiều khi đứng gần đồng nghiệp, em thấy họ kín đáo nhăn mũi mà thấy buồn ghê, biết là mấy em ấy chưa chồng nên chưa có kinh nghiệm nhưng mà... Có hôm sáng đến em thấy lọ lăn nách đặt trên bàn chứ. Tủi thân chỉ muốn khóc thôi. May mà kìm lại được”.

Các chuyên gia cho rằng thực ra đổ mồ hôi là cách để cơ thể hạ nhiệt khi sự trao đổi chất và lưu lượng máu trong cơ thể tăng cao khiến thân nhiệt thai phụ tăng 0.3 – 0.5 độ C so với bình thường. Chị em có thể hạn chế tình trạng trên bằng cách lựa chọn những trang phục có chất liệu thấm hút tốt, rộng rãi, thoáng mát, uống nhiều nước, sử dụng lăn khử mùi dạng thoa hoặc dạng xịt thường xuyên.

Sample Text

Copyright © Bà bầu, đồ dùng bà bầu, dinh dưỡng bà bầu | Thiết kế bởi http://babauaz.blogspot.com Nội dung, dịch vụ sản phẩm trên website được tài trợ bởi taiwiki.com